Những anh chàng độc thân vui tính – Phần 11
|Paris, 26-09-2012
PHẦN 11 : Anh Chàng Độc Thân Vui Tính Thứ Nhất và Trường Mẫu giáo Emeriau
Trường mẫu giáo Emeriau của anh chàng có khoảng 200 « sinh viên » từ 3 đến 5 tuổi chia thành các lớp nhỏ, trung bình và lớn. Từ 4 tuổi không còn chế độ ngủ trưa, các « học viên » vào lớp từ 8h30’ sáng, thể thao vận động thân thể, ăn trưa, đọc sách hoặc các hoạt động tự chọn. Đầu giờ chiều tiếp tục học hát, vẽ hay đếm, viết chữ (ít lắm, lại ngoằn ngoèo theo trường phái tự do). Ăn giữa chiều và thể thao tới 6h30’ hoặc sớm hơn, tùy thuộc giờ bố mẹ đón. Thường xuyên có các hoạt động ngoại khóa. Thăm bảo tàng, đi bơi, thăm công viên…, khuyến khích các phụ huynh đi cùng, cơ hội mà nhiều các cô bác tận dụng triệt để (trừ bố mẹ của anh chàng, chưa khi nào sắp xếp được). Học 2 tháng lại nghỉ khoảng 2 tuần, vòng vèo đây đó, về ông bà hoặc đi tham gia các trung tâm vui chơi. Ngoài các đợt ấy, một năm cũng nhiều lần thanh niên cúp cua theo bố mẹ đi công tác.
Năm học bắt đầu bằng một buổi họp phụ huynh và kết thúc bằng một buổi hội trường, có triển lãm các « tác phẩm nghệ thuật » của các « sinh viên » với tiệc tùng do mọi người tự mang đến. Vào những dịp quan trọng, dàn đồng ca của trường hát các bài chào mừng. No-en năm ngoái bạn nữ được chọn hát bè chính, vừa đứng lên hàng đầu đã khóc nức nở, cả trường phải hòa vào hát cùng. Thanh niên đứng trên khán đài, vừa hát hát dõng dạc vừa nhoài người gọi trêu mẹ.
Năm lên lớp 4 tuổi, đến hẹn lại lên Maman được mời đi họp phụ huynh. Cô Lina giới thiệu về lịch học và ban phụ huynh mới. Cô nói đến sự phát triển. « Ai cũng nghĩ con mình thông minh, nhưng trẻ con nào cũng thế. Hãy để trẻ phát triển tự nhiên. Mỗi người có tới 20 năm để học hành, đừng ép trẻ ». Nhớ năm ngoái, học bạ của anh chàng được cô phê « Khá toán ». Lớp 3 tuổi yêu cầu đếm đến 15, mà anh chàng leo được tận …20. Trời, cứ so với em Tuyết Mai và các bạn cùng tuổi ở Việt Nam, chưa đi học đã biết đọc truyện, và làm phép tính thì anh chàng khó mà trúng tuyển vào lớp 1 (ôi tương lai Ha-vớt của mẹ).
Vèo vèo đã vào cuối cấp. Lớp 5 tuổi nhìn đã thấy hoành tráng. Đi khai giảng không thèm bỡ ngỡ mà ào ào tìm bạn cũ. Sau 2 tháng nghỉ hè ai cũng đen hơn hẳn, gọi nhau đủ thứ biệt danh «Pho-mát », « Ca-măm-be », thậm chỉ cả « Ngài Pu-ben ». Hứng chí còn nhắn nhủ nhau « Lần sau đến trường nhớ mang theo bỉm nhé ». Cô nói nghịch nhất trường, vận động từ sáng đến tối không nghỉ. Về nhà tối nào cũng đề nghị mẹ hát cùng, nhảy một chút hay nghe kể chuyện. Chuyện thuở nảo nào mà mỗi bạn Tây mang một tên bằng tiếng Việt hẳn hỏi. Bạn Dâu Tây, bạn Xoài, bạn Cam, bạn Quýt, bạn Mít, bạn Chôm chôm (có quay sang hỏi « Là quả gì thế mẹ ?»). Riêng hoa khôi 3 năm học chung được ưu ái mang tên Quả táo thủng (Ôi nếu như cô nàng hiểu được !!!).