Tình yêu, gia đình và hạnh phúc – Phần 3

Paris, 24-08-2012 : Phần 3 : Con cái

Con cái là kết quả tất yếu của một cuộc hôn nhân, là kết tinh hạnh phúc. Em vẫn nghe và đọc được những điều như thế khắp nơi, để cho đến một ngày Em giật mình nhìn thống kê của người Pháp (nơi nổi tiếng về phương pháp nuôi con khoa học, nhẹ nhàng), không phải con cái lúc nào cũng là nhân tố  củng cố thêm bền vững của một gia đình. Những điều quá thường nhật nhiều khi làm con người cảm thấy đều đều. Những vất vả làm giảm ước mơ. Những lo toan làm giảm sức khỏe và đam mê. Chia sẻ quĩ thời gian cho muôn vàn việc li ti. Bạn tâm sự « Đi nghiên cứu sinh xa nhà thế này, anh chẳng nhớ vợ, chỉ thấy nhớ con ». Đồng nghiệp kể «Mẹ tớ hết lòng cho gia đình, cho sự thành đạt của chồng và 4 đứa con. Nhưng rồi mẹ vẫn thiếu thiếu một cái gì đó, một công việc của riêng mình ».

Con cái là …

Trời mùa đông lạnh, một anh chàng sốt vi-rút không ăn, không ngủ, nóng hầm hập, nôn ẹo liên tục. Một anh chàng mọc răng, chảnh tới mức tối đa. Em 1 tên, Cụ 1 tên, 2 phòng riêng biệt cho 2 thanh niên đỡ ảnh hưởng nhau. Cụ cười nhăn nhở « Thôi tạm biệt nhé, hẹn sáng mai ».

Em dở việc, Cụ chưa xong, 2 tên ầm ĩ tranh cãi nhau, khóc nhè đòi phân xử, Cụ ngao ngán « Tôi đến hẹn nộp bài rồi đấy 2 anh ạ ». Buổi sáng, mục tiêu nhỏ nhoi của Em là cả nhà xuất phát cùng nhau, đi cùng 1 quãng đường…1 phút trước khi rẽ ngả mà chỉ thực hiện được không quá 1 buổi 1 tuần. Sáng nào Em và Gấu cũng đi sau Cụ và Tom Ỉn, để rồi khi đã thả 2 tên 2 nơi lại điện thoại đường dài « Chúc Em 1 ngày làm việc vui vẻ nhé ».

Chẳng ốm, tự nhiên Hấu béo (tên gọi ngược với số kí lô) chán ăn. Hắn có thể chán nhiều ngày liền chẳng buồn bận tâm đến chiều cao cân nặng khiêm tốn của mình. Đồ ăn thì phải bố mẹ nấu. Đôi khi kì công cả tiếng, xong rồi hắn chê. Các ông bà nội ngoại của hắn suốt ngày phàn nàn « sao bé thế » (đến nỗi đây dường như đã thành chủ đề không thể thiếu của đa số các cuộc điện thoại).

Thích gọn gàng, sạch sẽ mà đôi khi quần áo chưa giặt, chưa gấp ngổn ngang. Đồ chơi các anh chàng mang khắp các phòng. Bút vẽ khắp tường, bàn ghế.

Và con cái là…

Đến thăm anh bạn giỏi giang hàng quốc tế, thành đạt mới đón bé đầu lòng. Anh kể « Ngày xưa nghe mẹ kể anh được sinh mổ, anh thấy cũng bình thường, bây giờ trực tiếp chứng kiến chị nhà anh như thế mới thấy hết sự đau đớn. Thương chị thế ».

Em và Cụ không thích thuê người giúp việc. Tuyệt vời nhất là những chiều tối thả 2 tên quậy vào bồn tắm với một loạt cá ếch, để bọn hắn té nước, tranh cãi nhau còn Em và Cụ dọn nhà trong tiếng nhạc (nhảy) rộn ràng. Những chiều Em xào nấu, Cụ cho bọn hắn ăn. Những buổi sáng cuối tuần Tom ỉn nịnh nọt Em làm bánh. Những buổi tối đặc cách bọn hắn tranh nhau ngồi lòng Cụ xem ca nhạc (không nhiều hơn 1 lần/tuần vì mình không phải fan hâm mộ truyền hình, còn nhiều hoạt động khác thú vị hơn). Bọn hắn tranh Cụ với Em và thường xuyên thắng, trong sự cầu tài của Cụ « không phải Anh yêu con hơn vợ đâu ».

“Không có một trẻ em thật sự hạnh phúc nếu người mẹ không thật sự vui tươi, thoải mái”, điều đó em đọc được trong một chuyên san đặc biệt “1001 cách nuôi dạy con”. Em không theo chủ trương « Hi sinh tất cả vì con cái ». Em thích cho con một gia đình hạnh phúc với tình yêu vô bờ bến của bố mẹ, với một người mẹ khỏe, và một tinh thần lạc quan không ngại khó. Em biết, khi lớn lên rồi, chẳng người con nào muốn mẹ mình hi sinh hết cho mình đến như một quả chanh, vắt kiệt nước cho con, rồi cháu, để nhiều khi ảnh hưởng cả sức khỏe và hưởng thụ cá nhân.