Những anh chàng độc thân vui tính – Phần 5

Paris, 03-12-2011

PHẦN 5 : Anh Chàng Độc Thân Vui Tính Thứ Nhất và Nghề nghiệp tương lai

Anh chàng độc thân vui tính thứ nhất lượn lờ ra bếp phàn nàn « Hôm nay Tom bán được ít thịt lợn lắm mẹ ạ. Tại thịt của Tom dai ». Trời, đã biết thịt dai còn cố bán. Làm ăn thua lỗ, phải đổi nghề thôi. Lại chuyện nghề nghiệp tương lai của anh chàng, các bạn Tây của bố mẹ mỗi lần tiệc tùng hay hỏi chắc bố mẹ nhắm mấy trường đỉnh cao, tương lai hoành tráng. Papa cười kể anh chàng  chỉ mơ ước lái taxi hay tàu điện mới coóng, êm du vòng quanh Paris. Đi hội thảo cùng bố mẹ, anh chàng lượn lờ chạy nhảy bên ngoài trong khi em ngủ, đột nhiên mở cửa hội trường giọng rõ ràng, đầy nghiêm trọng  « Papa ơi em Gấu dậy rồi ». Mọi người cười rần rần. Papa mặt đỏ tưng bừng trước bài tham luận không nằm trong chương trình. Mẹ đi đón ở trường mẫu giáo vào giờ ngoại khóa cuối ngày với các hoạt động tự chọn, bất ngờ vì không thấy anh chàng ở sân thể thao như thường lệ. Cô giáo đi tìm ở tất cả các khu khác mà anh chàng có thể đến, và thư viện là bến đỗ cuối cùng, nơi không có trong dự kiến. Anh chàng đang ngồi đọc sách, trước sự tròn xoe mắt của mọi người.

Chuyện học hành, khoa học tạm thời chưa tính đến, nhưng ngay từ phần đầu viết về Anh chàng độc thân vui tính thứ nhất Maman đã nghĩ đến việc anh chàng nên trở thành một bác sĩ. Anh chàng sẽ phong độ, mang tinh thần sảng khoái vui vẻ suốt ngày đêm làm cho các bệnh nhân dễ chịu và yêu đời hơn.

Và vì anh chàng hình như cũng có năng khiếu chuẩn đoán bệnh bẩm sinh. “Tom đau bụng quá mẹ ạ, chắc tại Tom dọn dẹp nhiều » (Đợt này thường xuyên phàn nàn là em Gấu bày đồ lung tung để anh Tom phải dọn ». « Mẹ ơi, em Gấu ẹo rồi, chắc tại em …sốt ». Lúc say nghề, anh chàng thì thầm « Ngày xưa Tom ở trong bụng mẹ. Xong rồi Tom to quá, bác sĩ bảo Tom ra. Tom phải ra, để em Gấu vào mẹ ạ”.

Và vì anh chàng cần tự chữa bệnh Tè dầm cho mình. Nếu sáng nào nào không bắt đầu ngày mới bằng bản nhạc vui tươi “Na na na nà ná ne gờ” là có vấn đề. Đã xa rồi cái thời anh chàng dù buổi tối có uống nhiều nước thế nào, cũng hầu như không tè dầm vì tự dậy, tự đi, tự vào ngủ tiếp (chỉ thỉnh thoảng “dấm đài” buổi trưa, khi ngủ tại mẫu giáo cùng các bạn, hồi còn học lớp 3 tuổi). Vào năm học mới lớp 4 tuổi, không còn chế độ nghỉ trưa, tối ngủ mê mệt, nên liên tiếp tấn công cái đệm đau thương trong mấy tuần, đến mức anh bạn đệm sống trong lũ lụt triền miên, không nhìn thấy mặt trời khô ráo là đâu. Lập kỉ lục rồi lại phá. Không uống nước trước khi đi ngủ cũng tè dầm. 11g, Papa đã gọi dậy cho đi Toa-lét vẫn tè dầm. Có lúc 5 ngày liền, ngày nào mẹ cũng phải giặt chăn ga gối, để Papa bất bình “Sao anh hại bồ tôi thế hả anh Tum Tum”. Có lúc giật mình dậy, cố kiềm chế, mà cũng chỉ một nửa ra được toa-lét, nửa còn lại vẫn trên giường. Có đêm 3 lần, tè xong mới giật mình chạy sang phòng bố mẹ mếu máo. Từ “Vô địch Juđô” thành “Vô địch tè dầm”. Papa ngán. Maman ngấy. Bị ca cẩm nhiều, anh chàng hứa sẽ sửa chữa. Nụ cười lại nở trên môi, và anh chàng lại hát “Na na na nà ná ne gờ” một sáng cuối tuần đẹp trời với bộ quần áo mới tinh, khác hẳn tối hôm qua mặc trước khi đi ngủ. Tè dầm xong, anh chàng lẳng lặng ra nhà tắm cởi quần áo, bỏ vào chậu, lấy khăn giấy ướt lau người và ra tủ tìm quần áo mới tự mặc, rồi vào giường,  chuyển góc khô ráo đắp chăn ngáy tiếp đến sáng. Chú Kiên đang gợi ý có khi để xử lí triệt để vụ này, phải treo ảnh anh chàng trước cổng Mẫu giáo, có chú thích “Tè dầm”, trước khi anh chàng thành quen theo kiểu “Nếu tè dầm, chỉ cần đổi chỗ  là xong”.

3 Comments