CHUYÊN SAN ĐÓN XUÂN

Hãy dừng lại và lắng nghe xuân về !

Hãy dừng lại nhịp sống hối hả để lắng nghe Đào cựa mình khoe sắc, vươn sức sống ngập tràn chào đón mùa xuân. Lắng nghe tiếng thở của đất trời bao la, tinh khiết. Lắng nghe kỉ niệm Tết ùa về cùng nồi bánh chưng xanh dền, tiếng pháo giòn giã, áo mới và tiền lì xì xốn sang. Hãy dừng lại nhịp sống hối hả để lắng nghe tiếng thở của yêu thương. Yêu đời, yêu mình và yêu những người thân yêu. Chúc ông bà, bố mẹ sức khỏe. Chúc anh em, bạn bè hoài bão, khát vọng để hòa mình cùng Xuân.

Tặng tất cả mọi người một chút niềm vui Xuân qua 15 Tùy bút. Có bài đã đăng báo in, báo điện tử, có bài sắp đăng, và có bài sẽ ông bao giờ đăng (được)
-:).

Hãy yêu lấy mình !

Tặng chị

Hãy yêu lấy mình để yêu cuộc sống. Tình yêu rộng lớn được cấu thành bằng muôn vàn tình yêu nhỏ : yêu người và yêu mình. Chỉ yêu người khác thôi thì không bao giờ đủ. Và cuộc sống sẽ phong phú, tươi đẹp hơn vì có nhiều người luôn biết tự chăm sóc cho mình, khỏe mạnh, vui tươi, tự thưởng cho mình những buổi thư giãn đọc truyện, xem phim, đi ngắm cỏ cây hoa lá, làm những gì mình thích, dũng cảm bỏ bớt những công việc đời thường. Đức hi sinh và sự tận tụy phải đặt đúng chỗ, đừng để cho người khác thấy là trách nhiệm, là đương nhiên, như vốn dĩ phải thế.

Hãy yêu lấy mình để yêu tổ ấm. Nếu có 100% tình yêu mà dành cho chồng 90%, còn lại mình 10%, một lúc nào đó 90% thay đổi, còn lại 10% mình sẽ lạc lõng mỏng manh như tàu lá. Hãy nhân lên 200%, dành cho mình và đối phương mỗi người một nửa. Lỡ mất 100% phía kia mình vẫn còn lại tròn trĩnh 100%.

Hãy yêu lấy mình để yêu bố mẹ. Được sinh ra và nuôi lớn, bao bọc, mình đã trở thành 1 phần cuộc sống của bố mẹ rồi.

Và hạnh phúc là ?

« Thuở còn thơ ngày 2 buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/ Ai bảo chăn trâu là khổ/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao ». Tuổi thơ trong suốt như pha lê. Lang thanh trời nóng dỡ khoai, dầm mưa tát cá, vớt bèo, đạp xe nhiều cây số đi học. Đông về lạnh buốt khô hanh. Chào thua làn gió thổi ngược cắt da, cắt thịt, phải xuống dắt xe đi bộ. Thế mà cuộc sống thật đẹp, chẳng bao giờ thấy khổ.

Thời sinh viên trôi đi trong mộng mơ. Học chính, học thêm triền miên mà chẳng biết mệt. Dạt dào tình yêu đầu, không gợn chút vật chất. Chẳng mảy may nghĩ « Sao người khác sướng thế, nhà giàu, có nhà, có xe ». Thấy cuộc sống toàn màu hồng.

Và ra đời, theo dòng chảy thời gian và vật chất, càng ngày càng có nhiều thứ hơn. Cơ hội thăng chức, tăng lương, làm giàu ngày càng nhiều. Nhưng chỉ duy nhất một câu « thần chú » có thể giúp mình không bị sóng cuốn đi «Thời sinh viên không có gì, chỉ có tình yêu mà hạnh phúc vô bờ bến. Ngày nay cũng đâu cần dốc sức chạy theo vật chất. Hãy đặt tình yêu lên đầu».

Hạnh phúc là cảm xúc thật của chính mình, không hẳn là sự mãn nguyện, hài lòng về điều gì đó. « Nhìn những người dân đầu tiên của Ma-roc sống, mình thấy họ thiếu thốn quá, chắc vất vả. Nhưng thực ra họ sống tự nhiên như cỏ cây hoa lá, vui tươi, dễ bằng lòng, chẳng buồn phiền nhiều. Ngược lại họ nghĩ mình chắc sướng lắm, 1 tháng thu nhập bằng số tiền họ tiết kiệm cả đời, nhưng chưa chắc mình đã sướng khi bươn chải nhiều, muốn có và có nhiều hơn ».

Và nỗi khổ của mình một phần do hoàn cảnh, nhưng chủ yếu do mình tạo ra. Phải đấu tranh với chính mình để có. Đấu tranh để sống đúng với những gì thực sự mong muốn. Hãy đấu tranh để có hạnh phúc chị nhé.

Hạnh phúc giản dị


Tặng những người yêu đời và yêu Paris

Bắt gặp cô em họ đọc cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, anh cười “Sau khi đọc xong thì nỗi lo duy nhất là làm sao để quẳng được gánh lo đi”. Với anh hạnh phúc thiết thực và giản dị lắm, làm cái mình thích, không tạo sức ép về vật chất, yêu quí mọi người, mà chẳng cần “sách vở”.

Paris vào hạ. 8h sáng, trời trong vắt, mênh mang. Nắng buổi sớm chầm chậm rát vàng trên thảm trời xanh ngắt, tỏa nhẹ như thu vàng Hà nội. Chạy thể dục qua cung điện Louvre, ngang khoảng sân rộng, tới hồ cá, rồi len giữa 2 hàng cây, vượt ngược trở lại cây cầu gỗ. Chỉ qua đó thôi, sẽ dừng lại thong thả đi bộ. Anh choàng tay qua vai, dịu dàng như nắng, bước chầm chậm trên nửa đoạn đường tới nhà, mỉm cười bao dung trước không gian tươi màu của sự sống. Và mình lại bàn về tương lai.

10h đêm, tắt nắng mà bên ngoài vẫn sáng trắng, chẳng cần đèn điện. Nằm duỗi thoải mái trên chiếc ghế băng trên quảng trường nhỏ, thấy lòng nhẹ bẫng. Giữa cây cầu lớn, vững chãi bắc qua sông Seinẹ lại có một quảng trường xinh như thế này thật hiếm, để bao bọc cô bé đang thả hồn theo dòng nước êm đềm trôi. Xe và người qua lại như nêm. Mặc kệ…Mắt chợt nhìn lên bầu trời, để chợt giật mình thích thú. Ít nhất 5 năm rồi mới tìm lại cách ngắm trời kiểu đó. Cũng như bằng đó thời gian mới bất ngờ khám phá ra trăng Paris cũng sáng lắm, lung linh và huyền ảo. Chẳng đổ lỗi “bươn trải đường đời” như người ta vẫn ví von, mà vì nhịp sống sôi động, hối hả với bao nhiêu khám phá mới đáng yêu. Muộn, không gian chẳng còn xanh nữa, mà ngả màu sương khói. Mây cũng chẳng còn bồng bềnh trôi. Trời cao tít, mịn như nhung, hệt làn nước biển trải rộng nhìn từ xa lại, tô điểm bởi từng vệt sáng trắng hay nâu sẫm cong vút vẽ bởi bút màu nghệch ngoặc, sảng khoái, vô tư lự của chàng họa sĩ thiên nhiên. Có chú chim bay vút lên, lượn vòng đùa nghịch rồi mất hút phía xa xa. Dù biết cả đất trời là nhà, nhưng vẫn tò mò “Tối nay chim ngủ ở đâu nhỉ? Nép mình trong một vòm lá rộng yêu thương giữa rừng cây bạt ngàn hay núp dưới hiên một tòa lâu đài cổ kính. Chợt thấy mình cũng phóng túng, bay bổng như chim.

Quê hương là…

Tặng những con người của quê hương

« Quê hương là gì hả mẹ »-« Là chùm khế ngọt đầu môi ». « Quê hương là gì hả mẹ »-« Cho cánh cò trắng bay về ».

Quê hương của con đó, có những bà mẹ tảo tần sớm hôm, có những người cha sẵn sàng làm tất cả, bán nhà bán đất cho con học thành tài. Quê hương của con có những người cả đời dành dụm, đến lúc khá rồi vẫn cứ mãi để dành cho con. Dõi theo từng bước con đi trên đường đời khi phẳng, khi ghềnh. Là bà ngoại của con chăm chỉ làm việc, chăm chỉ tích góp, dù con cái tự lập đến cỡ nào. Là bà nội của con, thoáng với mọi người và tiết kiệm với chính mình.

Quê hương của con có những con người biết hài lòng với cuộc sống, với hạnh phúc đủ đầy. Quê hương của con làm mẹ chạnh lòng khi điều kiện cuộc sống bản thân tốt mà nhiều khi vẫn đòi hỏi không thôi.Quê hương của con đổi thay từng ngày, vượt lên trên cả bão lũ liền miên. Có nhiều người rất giàu, giàu nhân nghĩa, giàu tình thương. Dù có phủ bởi một lớp vật chất của nền kinh tế đang lên, thì tận sâu thẳm mẹ tin vẫn là một tâm hồn. Quê hương nuôi lớn những cô bé, cậu bé nhà nghèo nhưng nghị lực phi thường, những người con thành đạt, dù ở đâu trên thế giới này cũng đau đáu hướng về gia đình, về nơi chôn rau cắt rốn, về quê hương.

Qua bao nẻo đường, qua bao đất nước, qua năm châu, không nơi nào mẹ thấy đẹp bằng quê hương con cả.

Tình yêu của mẹ

Tặng những bà mẹ trẻ

Con tròn nửa năm vào lúc nắng nhẹ nhàng gõ cửa, ấm áp, dịu dàng. Mẹ sải dài bước chân mỗi buổi chiều đi làm về, thấy vui vui khi nghĩ con đang chờ ở nhà, lúc thì mắt tròn vo ngơ ngác, ngây thơ… vô số tội như mọi người vẫn đùa, khi thì nháy nháy lém lỉnh, lúc lại khanh khách cười. Nhiều khi xấu hổ, nhoẻn miệng thật nhẹ rồi nhanh nhanh dấu mặt đi. Có con, thời gian ý nghĩa hơn. Buổi tối cả nhà đi dạo, ăn tối, chơi, tắm và cho con ăn xong cũng đã 10h đêm. Vậy mà vui vẻ, thoải mái vẫn thênh thang gõ cửa, ùa vào như làn gió. Có con, tình cảm bố mẹ được củng cố hơn. Bố vẫn trêu, con khép lại các cửa trốn chạy của mẹ, biến một người thích nổi loạn, hay phá hơn xây thành một người thích xây hơn phá. Mục tiêu của bố là cho ra đời thêm một thành viên nhí nữa để đóng luôn các cửa sổ, nơi thoát hiểm của mẹ.

Con tròn 6 tháng cũng là lúc bố mẹ kỉ niệm 10 năm ngày yêu nhau của mình. Hai sự kiện trọng đại, hai kết quả tất yếu của nhau. Đọc Blog một người bạn viết cho con trai, mẹ rất tâm đắc câu « Bố mẹ yêu nhau lắm, và con là minh chứng tuyệt vời của tình yêu ấy ». Hãy lớn lên, biết yêu, yêu đời, yêu người, yêu như mọi người đang yêu con từng ngày, từng giờ con nhé.

Hạ sắp về, hồi hộp và lâng lâng. Tám năm xa cổng trường đại học nhưng mẹ vẫn giữ nguyên cảm giác ấy. Háo hức như cô trò nhỏ. Dẫn con đi dưới mênh mông hoa hồng rực mẹ như chìm trong hạnh phúc. Lại thấy như mình vừa làm được kì tích. Một kì tích mà người phụ nữ nào cũng làm được, nhưng vẫn thấy vĩ đại vô cùng. Cuộc sống thật tuyệt vời. Cảm ơn tạo hóa, cảm ơn con, con trai của mẹ.

May mà !!!

Tặng những người lạc quan

May mà tớ được sinh ra trong một gia đình bình dân nhất, nên nếu nhỡ sau này thành đạt bố mẹ tớ sẽ tự hào gấp đôi.
Còn ngược lại không công thành danh toại cũng là chuyện thường ngày ở huyện, vì nhà tớ vốn bình dân
-:) (chả ai nói bố mẹ thế mà con…).

May mà Tía tớ làm “quan” nhưng không to lắm, chỉ lên đến chức “Phó thường dân” (đôi khi Tía tự phong chức cố vấn giám đốc, không ai nói động đến mình và mình cũng không động đến ai, thế mới tuyệt chứ-trích nguyên văn lời Tía tớ) nên nhà tớ dễ có phúc vì “con hơn cha”. Em trai tớ chỉ cần nhỉnh một chút đến trưởng gì đó là thừa chỉ tiêu đề ra rồi -:).

May mà tớ có người yêu từ thuở hàn vi, và cũng bình dân như tớ. Đồng cam cộng khổ đi lên dần dần. nên giá trị cận biên lớn lắm. Thời mới du học “tậu” được 2 cái xe đạp cuốc cao lêu nghêu mà lâng lâng đến tận mây xanh, có khi mức độ còn hơn người ta mua máy bay ấy chứ. Trước mắt có nhiều thứ để làm, chứ giàu rồi thì biết cố gắng mua sắm gì nữa đây.

May mà thời kì nghiên cứu sinh tớ vẫn nghèo, nên đi làm nhiệt tình đến không thể tưởng tượng nổi. Để sau tất cả những cái đó tớ nhận ra rằng mình đã được tôi luyện bền bỉ vô cùng.

May mà tớ “bay bay” và nhiều mơ ước nên giữa cuộc sống thực tế này tớ thấy thi vị hơn.

Và may mà “Tái Ông mất ngựa”, và may mà tớ có “Tinh thần
AQ”
-:).

 

Ba đầu sáu tay

Tặng những người « tham lam »

Với 3 đầu 6 tay tớ sẽ đi thăm hết bạn bè để chẳng còn phải lỡ hẹn ai cả. Tốc độ đi đến chóng mặt …bà con khối phố mà vẫn không xuể, vẫn để cô em thân thiết « trì chiết » « mời được nhà bạn đến khó quá đấy ». Có nhà mới, bạn nhắn « anh chị xuống nhà em chơi đi », gật đầu hứa « sẽ đến » mà mãi vẫn chẳng tăm hơi. Có người gọi điện « Nhà tớ vẫn đang chờ nhà cậu đến động viên tinh thần đấy »-« Ừ tuần tới nhé ». Và cái tuần tới ấy nó dài lê thê. Thường xuyên có câu « Hôm nào mình gặp nhau nhé » để rồi hôm nảo hôm nào em xào em nấu…ước chưa hẹn đã nguy cơ lỡ hẹn. Lần nào gặp phu nhân cấp cao cũng tươi tắn « Khi nào bọn cháu sẽ đến nhà cô uống trà » để chiêm ngưỡng tài sắc vẹn toàn, cùng khả năng ứng xử đỉnh cao của cô ấy, vậy mà…Hè chập chững đến, biết bao người « rủ rê » đi biển ở Montpelliers, La Rochelle, đi Bỉ có nhà ở thoải mái…Giáo sư hướng dẫn tiến sĩ ngày xưa mời tháng 8 xuống biệt thự có bể bơi, tọa lạc trên 4000m2 đất ngay gần núi hưởng không khí trong lành mà đành xếp lịch đến tận tháng 11. Giải pháp cuối cùng là bạn bè cứ thích thì chạy qua, nếu có tiệc thì cứ mời nhà tớ, chạy vèo 1 cái đến lại hay.

Với 3 đầu 6 tay tớ sẽ làm nhiều công việc cùng 1 lúc. Vừa nghiên cứu, vừa thực hành. Quyển sách bằng tiếng Anh sửa mãi vẫn chẳng đâu vào đâu, để anh suốt ngày « tế nhị » hỏi. Vừa công ty tài chính, vừa giảng dạy và vừa…Công ty làm từ hồi đầu mới liên lạc bảo có thể làm việc cho họ được không, nửa thời gian cũng ok. Công việc cực kì năng động, nhưng …

Với 3 đầu 6 tay tớ sẽ tiếp tục đi học một cái MBA thật khủng bố. Bao giờ mới dám dũng cảm đầu tư X nghìn đô la Mĩ cho cái ước nguyện khùng khùng này đây. Nghĩ đến nó nhiều quá làm đôi khi thấy không thực hiện được sẽ tiếc vô cùng. Mấy anh bạn công ty từng American hóa rất ủng hộ niềm mơ ước ấy mới chết chứ.

Với 3 đầu 6 tay tớ sẽ chơi Tennis, Golf, nhảy, bơi, lưới vát, trượt tuyết, leo núi…mỗi mùa. Sẽ dẻo dai năng động, yêu đời yêu người hơn bao giờ hết.

Với 3 đầu 6 tay tớ sẽ viết văn, làm thơ, học hát và học đàn mà chẳng cần năng khiếu. Sẽ cất cao tiếng ca cho tất cả bạn bè, thay vì thầm thì với 2 khán giả duy nhất trong nhà.

Nhưng tớ lại chỉ có 1 đầu, 2 tay -:),
-:)


Nó đi bơi


Tặng Ngân, kỉ niệm những ngày lạnh cóng vẫn miệt mài bơi từ sáng sớm

Nó đến bể bơi. Chuyện tưởng như khoa học viễn tưởng lại thành sự thật. Bao nhiêu năm « ngụp lặn » khắp bao nhiêu biển, Nam có, Bắc có, Trung có, Châu Âu có, Châu Phi cũng có mà nó có di chuyển được nổi vài mét đâu. Nhưng thôi kệ, lần này đầy nhiệt huyết, quyết tâm, với quan điểm « không bơi thì lội ». Anh vẫn nhăn nhở lấy nó làm điểm tập kích « em biết vì sao người ta gọi là bơi lội không, không bơi được thì lội đó mà ». Tuổi ngày càng cao, nếu không lấy chồng thì ế, mà còn bao nhiêu thứ muốn vẫn chưa làm được, Tennis, Goft (món này thì chờ già thêm, dầm một chút cũng chẳng sao), khiêu vũ và bơi. Bể bơi ở nước Châu Âu nó đang xài tuổi thanh xuân này chủ yếu do tòa thị chính quản lí, giá rẻ bèo. Sinh viên bơi đến kiệt sức, ngày nào cũng đi mà chỉ cần nhịn 1,5 bữa ăn trưa ở căng tin của trường là đủ vé tháng. Bây giờ nó mới tin ở đây có ¾ dân số chơi thể thao, một con số có nằm mơ nó cũng không bao giờ dám nghĩ đến.

Diện bộ đồ tắm hoa lá cành, nhìn là biết « trâu đang cưa sừng », nó ngại ngùng đến chỗ để phao bơi nhặt đại một cái, hóa ra cũng xanh xanh màu nước. Nhìn trước nhìn sau « lấm lét », nó từ từ thả mình lao nhẹ. Phải làm sao cho họ nhầm tưởng là phao nó chỉ cầm nghịch, thư giãn chút thôi. Qua đến đầu kia của bể, ngẩng lên nhìn xung quanh nó giật mình kinh sợ « độ sâu 3,5 m ». Ôi thôi, đâm lao thì phải theo lao.

Dần dần nó mạnh bạo hơn. Hóa ra chẳng ai cười mình cả, lội cũng chẳng sao. Bộ đồ thế mà hay, được khen quá trời. Thân hình mình dây của nó cũng được « tán dương » (nó cứ mặc cảm thế chứ, các cô người mẫu còn gầy hơn nhiều). Chỉ có « bác » trông coi bể vẫn cứ trả vờ lượn lờ xung quanh, sợ nó chìm ý mà. Hồ hởi, tự tin hơn, nó lại gần « bác » ấy, nghe loáng thoáng « bạn phải bỏ phao đi ». Ừ thì nào thử xem…

Có ai từng uống nước bể bơi mới thấy hết nỗi đau của người chỉ biết lội. Nó bắt đầu như thế, cộng thêm người mỏi nhừ, chân tay cứng đơ, cố nổi, di chuyển được vài bước lại chìm. Nghe khích lệ « mọi động tác đều chuẩn, trừ cái đầu. Không được ngẩng cao thế, phải ngang với người ». Hóa ra vẫn bị « nội soi », ngượng quá, chắc « bác » ấy đang ngứa nghề lắm đây.

Anh vẫn chờ nó ở nhà, đều đặn, sau mỗi lần đi bơi và vẫn không thôi nhăn nhở « đã được 5 mét chưa em ». Không sao, đường con dài, quan trọng là dai sức. Mơ màng, nó tưởng tượng đến một ngày…con cháu nó lướt nhẹ như cá, sải cánh mềm như chim trước sự ngỡ ngàng của chúng bạn. « Giang hồ » trả thù 15 năm chưa muộn. Hãy đợi đấy.

Khùng là…


Tặng những người Khùng

Anh bảo nhận ra rằng sảng khoái là thả lỏng hoàn toàn. Đi dép lê, mặc quần sóoc, sơ mi buông, nhìn anh vừa lãng tử, vừa bụi và vừa…hâm hâm đang dạo dọc sông Seine, kể chuyện « bậy » cho « hàng độc » là cô « bồ già » bên cạnh (lấy vợ bằng tuổi thì phải chịu thôi. Anh cứ tưởng được chiều, hóa ra lại chẳng tránh được việc gì vì đối phương lúc nào cùng « khoa học viễn tưởng » tự gọi mình « em bồ trẻ »). Con trai nhỏ chạy lòng vòng bên cạnh, sảng khoái không kém, cố tìm các gốc cây để 2 bố con thi nhau nhảy vào « hú hòa ». Nhiều khi hét toáng lên « Papa, pha pha ». Anh « nhăn nhở » « lại thấy em nào trẻ đẹp gọi Papa ra ngắm đây ».

11h đêm anh nhắn tin « Chồng xấu trai của em đi vắng, chơi với anh không »-« Vậy bà vợ già của anh không có nhà à »-«Đừng gọi thế em ơi ». Đúng là nhắng, ngồi ngay bên cạnh nhau mà phịa ra trêu trọc, lại còn đặt cho vợ đủ thứ biệt danh rồi gán « bồ 1 », « bồ 2 »… tới 4 cô thì chịu làm sao. Thế là trốn con đi ngắm đất trời, ra khỏi nhà thì trời sắp mưa. Anh bảo « kệ thôi, mưa đâu trú đấy». Thế là có 1 cặp khùng khùng thong thả đi. Chuyện trên trời dưới biển, sao nói hoài vẫn không hết nhỉ. Blog anh chẳng mấy khi đọc vẫn biết hết nội dung vì 90% là những câu mình đùa hàng ngày.

Ngủ dậy muộn, làm tài liệu nộp cho công ty không vô, than ngắn, thở dài nhảy lên Facebook viết nhăng nhít « Sao lười quá tôi ơi ». Bạn bè comment lại, thấy buồn cười không chịu nổi.Thế mới biết cũng có lúc cần khùng.

« Chủ tịch » có bồ


Tặng Tuấn, Hà và các em trẻ hội sinh viên VN tại Pháp

Xời đất, chuyện quá giật gân. Không giật gân sao được khi chỉ 1 mấy ngày trước đây bà con còn lo chủ tịch mải làm « Te » và mải « công tác chính trị sinh viên » mà quên yêu. Hội sinh viên Việt Nam tại thành phố này hoạt động mãnh liệt lắm, đi sâu, đi sát « quần chúng », quyền của chủ tịch lớn như …trưởng thôn, làm gì cũng được. Ấy thế mà có chuyện khó lắm…Bà chị « quá đát » gợi ý « Hay chủ tịch lợi dụng chức quyền một chuyến, kiếm cho mình một em trẻ đẹp ». Được đấy, nhưng mà…khó quá – Chủ tịch gãi đầu, xuýt vuốt cả râu, may mà kịp kiềm chế để dành 40 năm nữa ( !).

Rồi một ngày đẹp trời, chủ tịch đặt Avatar trên facebook. Ảnh một em trẻ đến nỗi có chú bé 2 tuổi nhìn ngang, nhìn dọc không dám gọi là cô. Hóa ra chủ tịch có bồ, mà « kinh khủng » hơn đó chính là cô nàng mới tuyển vào hội, phụ trách mảng truyền thông. Thế này thì tuyên truyền hợp lí quá rồi, các bài phóng-kí-sự sẽ dào dạt và tràn đầy cảm xúc cho mà xem. Và chẳng cần nói nhiều thì bà con cũng sẽ tự hiểu công tác hội chẳng hề khô khan. Còn hơn cả mưa xuân làm đâm chồi tình yêu ấy chứ. Chủ tịch mừng, bà con cũng lâng lâng. Năm tới hi vọng chủ tịch mạnh dạn tuyển thêm mấy em trẻ đẹp nữa để làm « nguồn sống » cho các anh em.

Bộ ba chúng mình


Tặng Quế, Ninh

Bộ ba chúng mình thân nhau lắm. 2 đứa chuyên văn, một đứa chuyên toán, suốt 4 năm cấp 2 trường năng khiếu huyện đi đâu cũng như hình với bóng. Cùng tắm mưa và viết nhật kí truyền tay nhau đọc. Cùng ngắt hoa dại cài áo, chụp ảnh ép vào sách để bồi hồi mỗi khi hè sang. Áo trắng mộng mơ là màu chúng mình cùng yêu thích. Q xinh đẹp dịu dàng, hát hay, học giỏi, tóc xõa ngang vai. Mới chớm trăng rằm đã thành sao sáng khối chuyên. Những lá thư truyền ngăn bàn và qua bưu điện mà người nhận bao giờ cũng là ấy, tớ và N thay nhau đọc. Rồi đoán nghĩa, rồi tò mò điều tra tìm tác giả. Nhiều khi được viết bằng hành, phải dấm dúi hơ trên bếp lửa tập thể của trường mới dịch ra.Tuổi thơ êm đềm, trong sáng và đáng yêu.

Mùa hè năm ấy, phượng đỏ rực lối đi báo hiệu mùa chia ly. Mình sắp hết lớp 9. Kì thi học sinh giỏi và cuối cấp không thể phủ lấp nổi cảm giác sao xuyến bâng khuâng. Buồn nao nao. Sổ lưu bút hồng tình bạn truyền tay nhau, viết, đọc, đọc, viết. Rồi đây mỗi đứa một nơi, có còn nghĩ về nhau, về mái trường này.

Và rồi chúng mình chẳng xa về địa lí như vẫn tưởng. 90% 2 lớp năng khiếu văn toán năm ấy đỗ tiếp lên trường chuyên của tỉnh. Không xa mặt nhưng lại cách lòng. Mồi đứa mải mê với những quan hệ bạn bè mới.Và hình như tớ kém lãng mạn đi. Tớ lao vào các đợt tập huấn với chủ yếu toàn con trai để hết thi tỉnh, lại đến quốc gia. Như một con gà nòi chính cống, tớ say sưa giải toán, say sưa trao đổi cùng các thày và trở thành « trò cưng ». Tớ chẳng biết yêu, thậm chí hơi kì lạ, lạnh lùng.

Vào đại học, mình vẫn kịch bản ấy, dù có đến thăm nhau thì những câu chuyện cũng nhàn nhạt mất rồi. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, lúc nào tớ cũng nghĩ về 2 ấy, về quãng tuổi mực tím pha lê của tụi mình.

Tuổi 30 đến, nhanh không ngờ, dù thấy còn rất trẻ tớ vẫn giật mình khi nghĩ tới ngày xưa. 15 năm rồi. 3 đứa, 3 gia đình với những thiên thần nhỏ. Q ở lại quê hương, N lên thành phố và tớ ở tận Châu Âu xa lắc. Cầu chúc cho 2 ấy hạnh phúc, và không ngừng đi lên. Tớ tin 2 ấy sẽ làm được cũng như tin quyết tâm và nỗ lực sẽ làm thay đổi số phận mà nhiều khi mình tưởng đã an bài. Hạnh phúc giản dị lắm, giản dị như chính cỏ cây, hoa lá và đất trời quanh ta vậy. Ngủ một giấc thật say, bắt đầu một ngày mới hưng phấn, có mục đích rõ ràng và biết thưởng cho mình vài sở thích nho nhỏ. Đó là hạnh phúc rồi.

Mình mãi là những cô bé yêu đời của ngày nào nhé. « Trời xanh xanh và tình bạn cũng xanh/ Mãi yên bình màu xanh của mơ ước/Mình cùng tiến trên con đường phía trước/Để nhìn lại mỉm cười : gì cũng xanh ».


Ấy và tớ


Tặng Simon

Tớ lơ ngơ lên Paris, thủ đô hoa lệ và cũng đắt đỏ vô cùng, chẳng chịu nương tay ngay cả với các cô trò nhỏ. Loay hoay đăng kí làm nghiên cứu sinh, loay hoay tìm chỗ ở và bắt đầu với nhịp sống mới. Tớ gặp ấy và mình trở nên thân nhau. Nhanh chóng đến kì lạ. Cùng ngành, cùng khoa, đề tài nghiên cứu lại nhiều cái chung.

Ấy kể cho tớ nghe về nơi chôn rau cắt rốn, về cuộc sống của mình. Bờ biển Ngà sinh đẹp nhưng gắn với đau thương. Là con trai nhưng ấy căm ghét chế độ đa thê của những người đàn ông tham lam lấy nhiều vợ. Mẹ ấy cũng « kiếp chồng chung » và không thắng nổi một kiếp người, bị quăng quất, bỏ rơi và đói nghèo. Căm ghét cha, ấy đi du học bằng một học bổng bán phần và sự giúp đỡ của người cậu giàu có. Hành trang nặng những ưu tư. Đau đáu về mẹ, về căn nhà liêu xiêu. Tớ
giấu những giọt nước mắt cảm thông để « lên gân lên cốt » với vẻ ngoài vốn có rằng « ấy phải quên đi, phải nghĩ về tương lai, phải và phải… », dù biết rằng có những vết thương lòng dù phẫu thuật thế nào cũng chẳng thế xóa hết đi.


Tớ rủ ấy đến nhà ăn cơm. Gọi là nhà nhưng thực ra là một căn phòng thuê của cô người Việt, thương yêu tớ vô cùng. Say sưa nói chuyện, say sưa cười. Cô chủ nhà về, chạy ngay vào phòng riêng. Dù không phủ nhận ấy dễ thương, cô ấy vẫn rất sợ. Báo hại cô sau đó mang tất cả bát đũa đi giửa lại. Biết làm sao được, người Châu Phi bản tính hiền lành, dễ thương, nhưng có quá nhiều người nhập cư, để mưu sinh nên sẵn sàng làm tất cả, gây tiếng xấu lưu truyền.

Ấy có một phòng rộng nhìn ra vườn cây xanh um trong khu kí túc sinh viên ngoại ô Paris. Tớ là thượng khách. Ấy lôi hết đồ ăn trong tủ lạnh nịnh nọt tớ ăn, rồi nhường hẳn cái máy tính cũ cho tớ vào mạng gõ lạch cạch. Sinh viên bao giờ cũng nghèo hơn những người khác ấy nhỉ. 8 năm về trước, tin học vẫn còn trưa phát triển như bây giờ. Một ngày dự kiến làm việc cùng nhau mà mất nửa ngày tớ ca cẩm ấy « phải lạc quan lên, phải sống có mục đích, biết sắp xếp… ». Tớ nói nhiều và ấy chỉ biết cười trừ. Tớ lo cho ấy, và ấy cũng thế. Cứ nhất định nhét tờ séc 300 euro vào tay tớ, bảo khi nào có thì trả. Thỉnh thoảng ấy như ông già, còn dài hạn thì giống cậu bé ngây ngô. Trúng thưởng một trò chơi trên mạng được hai chiếc vé Disneyland Paris, ấy chọn tớ đi cùng. Gần Haloween, bao nhiêu hóa trang ma quỉ. Chơi trò cảm giác mạnh, được hỏi có sợ không, ấy ngượng nghịu « non », trong khi mồ hôi bịn rịn trên trán. Tớ cười. Lời nói dối dễ thương, dễ tha thứ.

Đến lượt tớ chuyển vào khu sinh viên quốc tế, trong Paris nhưng cách nơi ấy ở chỉ 15’ đi tàu. Gần lắm nên ấy suốt ngày qua chỗ tớ khen phòng đẹp. Luận án tiến sĩ ấy viết dài, nhưng tớ nhất định bắt cắt 1 phần 3. Ấy gật gù rồi vẫn để đó. Cùng xuất thân từ dân toán gốc đi làm doctor về tài chính, tớ chặt chẽ và đề cao logic, lập luận. Ấy thì thích viết tất cả những gì mình nghĩ. Ý hay, độc đáo nhưng không kết nối thì thành ấn phẩm làm sao. Bị nói hoài ấy vẫn chẳng chán tớ. Gọi điện vui lắm ấy rủ « có phiếu ăn, đi khu La-ting không ». Hai đứa lòng vòng bao nhiêu quán, rồi vào đại một cái mà thực đơn hợp với túi tiền. Ấy trả hơn 20 euro, thế là xôm lắm rồi cho sinh viên nghèo tụi mình ngày ấy. Lúc về không quên ghé qua thu trượt băng nhân tạo của của Tòa thị chính Paris. Lung linh, huyền ảo, sôi động với cả rừng người. Chẳng biết từ bao giờ tớ yêu Paris của mộng mơ và truyền cảm giác đó sang người khác, làm ấy cười « sống thế mới đáng sống. Thật tuyệt vời ».

Ấy vẫn đùa nếu tớ chưa có người yêu chắc chắn sẽ tán tớ. Không dám đâu, ngay cả như thế tớ cũng chẳng bao giờ thích người như ấy. Mà mẹ tớ sẽ ngất lên ngất xuống cho coi. Ấy thán phục « sao người yêu cậu không ghen nhỉ ». Có gì mà ghen, bọn mình trong sáng thế. Người ta lại yêu và hiểu tớ đến chân tơ kẽ tóc, và chẳng biết từ lúc nào cũng tiếp đón ấy nồng nhiệt vô cùng. Cảm động không. Mình đi qua 4 mùa Paris, và thêm mấy cái 4 mùa ấy nữa. Ấy làm nghiên cứu chậm hơn tớ vì nặng trĩu ưu tư, luẩn quẩn nghĩ về mẹ, tổn thương bởi mối tình đơn phương với cô bạn cùng khoa, hạn hẹp về tài chính năm cuối, bất đồng với thày hướng dẫn. Xáo trộn lại và ấy bi quan về tương lai. Ấy bảo vệ luận án không có mặt cô bạn thân vì tớ ở công ty, rồi thông báo xin đi Canađa. Ấy chủ động cắt liên lạc với tớ. Ấy chán tất cả, chán bản thân.

Thế là cũng tròn 4 năm ấy phiêu dạt nơi nào đó. Tớ có một gia đình hạnh phúc, một công việc tốt, và nhiều bạn bè. Tớ đã đi Châu Phi, dù chưa tới bờ biển Ngà óng ánh nơi ấy sinh ra. Nhưng vẫn canh cánh một nỗi lòng. Viết thư điện tử bao nhiêu ấy cũng kệ, chỉ hồi âm một lần duy nhất chúc mừng tớ có baby. Cầu mong ấy thanh thản tâm hồn và tìm được hạnh phúc đích thực, dù bình dị, mà ấy xứng đáng được hưởng.

Tinh thần dân tộc


Có ai giống mình ?

Ngẩng cao đầu đầy tự hào : « Em đến từ Việt nam ». Xếp quay ngang « Việt nam hả, anh ở đó rồi, cách đây 10 năm, toàn xe máy. Giao thông phức tạp ghê đấy ». Quay lại cố cãi « Bây giờ khác rồi xếp ơi. Toàn ô tô xịn. Đường được mở rộng, có cầu vượt, cống ngầm. Tốc độ phát triển chóng mặt ». Anh bạn đồng nghiệp bên cạnh hỏi vặn « Sao cậu không về ». « Tớ muốn có kinh nghiệm một chút ở đây. Với lại tớ quá yêu Paris lãng mạn của văn chương. Chứ vì tiền thì về Việt Nam kiếm sướng hơn. Bạn tớ á, ai cũng giàu sụ, thu nhập nhiều nhiều nghìn đô». Anh bạn tròn mắt tự thấy lạc hậu vì thiếu thông tin, chuyển đề tài : « Paris lãng mạn, thế nước cậu ? ». « Việt Nam thì chẳng còn gì mà chê nữa. Phải du lịch ngay đi. Có biết ở đâu bờ biển thuộc hàng đẹp nhất, vịnh vào chung kết kì quan thế giới không. Món ăn thì phong phú đa dạng. Chỉ riêng bún phở có cả trăm loại ». « Thế con trai nơi đó ». Kệ đối phương có bị mếch lòng hay không, kệ một số người quen bồ linh tinh, vẫn say sưa : «Ấy thấy đấy, tớ có nhiều bạn Tây, nhưng yêu và lấy á, còn lâu. Li dị nhiều, không chắc chắn ». « Tớ hi vọng sẽ sớm đến đó ». Có thế chứ !

Gặp cô bạn Trung Quốc thành đạt, đi du học khắp nơi, làm toàn công ty lớn, nghe thông báo « Mình sắp xin nghỉ việc đi học một cái MBA đỉnh nhất Châu Âu để về nước làm việc ». Dụi dụi mắt, cảm thấy như mơ ngủ « Cái gì, làm đến Manager của một tập đoàn lớn của Mĩ còn chưa đủ tự tin về lại Trung Quốc sao ? ». « Chưa, chẳng thấm vào đâu cả, nước mình nhiều người giỏi lắm ». Ngưỡng mộ «Tớ cũng muốn học một cái kiểu thế». Cô bạn lắc đầu « Tiến sĩ như ấy được rồi. Việt Nam không cần hơn thế đâu ». Oái, chạm tự ái rồi đây, dám bảo nước mình thua, thế là hừng hực tuôn một tràng dài giữa công sở, nào là bao nhiêu người đạt giải quốc tế, nào là bao kĩ sư, bác sĩ, luật sư khắp năm châu. Chỉ tiếc là chưa có giải Nobel và những ngành công nghiệp mũi nhọn thật đỉnh để dễ làm dẫn chứng. Cô bạn dàn hòa, rủ đi uống cafe trong khi mình vẫn đang « bốc hỏa ».

Đúng là tinh thần dân tộc.


 

Có những con người !


Chúc những người trong bài viết thật hạnh phúc

Hakara nhắn « Mình vừa về tới Paris, uống cà fê đi » – « Ừ, lát nữa nhé ». Anh bạn gốc Cam-pu-chia sinh ra và lớn lên tại Pháp, nhỏ con, lanh lợi, mắt sáng đang hào hứng « Khóa học năm nay thành công rực rỡ, hầu hết sinh viên nghèo Cam-pu-chia tốt nghiệp đã tìm thấy việc làm » và say sưa tiếp « Mô hình này đang được nhân rộng tại Việt Nam cùng vài nước Châu Á nữa đấy ». Hakara tốt nghiệp Bách khoa, một trường bậc nhất của Pháp, và thay vì đi làm tại một công ty lớn thật nhiều tiền như định sẵn, lại rẽ ngang chọn cho mình một hiệp hội giúp người nghèo ở các nước đang phát triển. Đi xin tài trợ tài chính và sức người từ các doanh nghiệp, lập các trường trung cấp và phát học bổng đào tạo tin học cho các thanh niên nghèo. « Này, nếu cậu cần gì cứ nói với tớ nhé », « Ừ, nhất định rồi, Đà Nẵng đang chờ bọn tớ đến, và cậu có thể làm được nhiều thứ đấy».

Đang chân sáo thì gặp Kim chặn ngay gần cổng vào của sân vận động. « Ủng hộ nạn nhân của chất độc màu da cam H ơi. Mỗi khoản tiền nhỏ sẽ tích góp lại thành lớn, thành một con bò cày cho một gia đình nghèo đấy », rồi chợt nhớ ra gì đó, Kim tiếp « Mà này, hôm nào phải gặp nhau nói tiếp chuyện làm đêm nhạc từ thiện nhé ». Ngượng quá. Gặp cách đây hơn 4 năm, thấy mình trong ban tổ chức 2 dạ hội có sự góp mặt của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ « đình đám » trong làng giải trí, Kim vẫn ấn tượng và mơ ước làm được như thế. Mình hứa, và rồi dòng thời gian trôi nhanh quá, nhanh đến mức bao dự định bị dạt lại phía sau. Kim vẫn không nản. Chỉ một nửa dòng máu Việt chảy trong người, nhưng Kim « thuần Việt » hơn bất cứ một ai. 6 năm đấu tranh cho các nạn nhân chất độc màu da cam là 6 năm người ta thấy anh bạn dai sức có mặt ở khắp mọi nơi, từ tổ chức các cuộc biểu tình đến kêu gọi tài trợ. Ở bất cứ một sự kiện đông người nào Kim cũng say sưa kể, say sưa thuyết phục. Nhiệt tình đến thế là cùng. Nghe Việt Nam thua kiện trong vụ kiện Dioxin chợt nghĩ đến Kim. Mình buồn thế chắc bạn còn thất vọng gấp trăm lần. Cố lên nhé. Tòa án lương tâm đã mở, cuộc đấu tranh vì chân lí sẽ còn tiếp tục không ngừng.

Chú Sơn nhắn « Cháu nên đến, và cố gắng thuyết phục công ty tài trợ cho hội, dù là vài trăm euro cũng giúp được mấy người rồi, tội lắm ». Hơn 30 năm rồi, và đã từng rất giàu, chú cống hiến trọn đời, trọn tài sản cho trẻ em nghèo. Nhận con nuôi, đỡ đầu, chú là « ba » của bao cô bé, cậu bé đường phố. Chú vui vẻ « Các con tình cảm lắm cháu ạ, hết thảy đã trở thành những người chân chính, yêu lao động » và tiếp « Ông trời thương chú, tự nhiên có người rủ chú mua mấy nghìn mét vuông đất khi còn rẻ ở Phú Quốc, đủ để thoải mái xây trường học, cơ sở dạy nghề». Và chú hồi hương như thế, với canh cánh một nỗi lòng làm sao san sẻ bớt khó khăn cho người nghèo trước những xô bồ vật chất của một xã hội đang trên đà đi lên.

Nghe tiếng từ lâu, mà phải chờ đến lúc tham gia một số hoạt động mới được gặp mặt các em, những con người tài năng đất Việt. Dành những giải cao ngất trong các kì thi học sinh giỏi quốc tế về Toán, Tin, Lý…, báo chí viết ầm ầm, và được Pháp trao học bổng tu nghiệp tại trường danh tiếng nhất. Nhớ ngày còn ở Việt Nam, lúc nào cũng chỉ ao uớc « chạm trán » một lần những người như thế. Vậy mà đến lúc gặp rồi vẫn không ngờ các em giản dị đến vậy. Thông minh (hiển nhiên rồi), vui vẻ với các xuất thân khác nhau, đôi khi « bình dân », lúc lại « gia đình có điều kiện ». Và trên hết vì cộng đồng. Quĩ « Đồng hành » do các em lập trao được nhiều nghìn suất học bổng mỗi năm cho học sinh nghèo.
Một con số không hề nhỏ.

Nỗi nhớ trường xưa từ Paris


Tặng các thày cô và các bạn mến yêu

Sáng Paris mùa Đông. Nhớ những buổi sáng đi học tay giấu trong áo, tuổi trăng rằm từ cấp II lên, tiếp tục con đường chuyên Toán. Ngồi trên tầng 8 của tòa cao ốc ở Paris, tâm hồn tôi trôi ngược dòng thời gian về 15 năm trước dưới mái trường cấp 3 ăm ắp kỷ niệm thân thương.

Ngôi trường của tôi là trường Lương Văn Tụy của tỉnh Ninh Bình. Khối chuyên ngày ấy mỗi năm chỉ có 6 lớp: Toán, Văn,Tin, Vật Lý, Anh và Pháp với sĩ số bằng một phần lớp thường. Vì thế, gần như quen nhau. Này nhé, Toán mang tiếng cố hữu là khô khan, nhưng các anh chàng lại được ngưỡng mộ cực kỳ. Văn lãng mạn, hiển nhiên rồi! Lớp Anh, toàn các tiểu thư xinh đẹp, con nhà giàu. Lý, Hóa và Pháp thì thuần hơn.

Năm đầu tiên cấm pháo, bọn tôi – các “đoàn viên gương mẫu” đốt trộm đì đùng rồi nháy nhau cười. Thầy hiệu phó giận lắm, quyết tìm ra thủ phạm. Chỉ trong tập thể ấy thôi, thầy biết rõ thế. Hối hận, nhưng không một ai chịu khai cả, mặc kệ hình phạt ngồi dưới sân trường.

Cũng năm đó, trường quyết tâm “văn minh, sạch đẹp”. Cánh nam giới không được chưng diện nữa, thấy ngại ngại thế nào ấy. Nhiều thanh niên lớp Toán cứ cố tình buông áo, để rồi phải đứng cuối lớp, quay mặt vào tường và sơ vin tại chỗ. May, lớp ít con gái, lại bị “lãnh cảm hóa” nên đỡ ngượng.

Lớp “cô bé” vẻn vẹn có 6 nữ. Thầy chủ nhiệm hiền ơi là hiền, sáng thứ Bảy nào cũng thành “quan tòa bất đắc dĩ” để nghe bọn con gái kêu ca: “Thầy ơi, các bạn nam không trực nhật”; “Thầy ơi, con trai lớp mình không quan tâm đến tụi em”… Toàn chuyện linh tinh, bốc phét, nói chỉ để cười, mà nhiều khi thầy tưởng thật. Sau, quen dần thầy mới xử công minh hơn. “Thầy ơi, con trai lớp mình tán con gái lớp khác”. Thầy dứt khoát : “Thì các em cũng làm vậy, cho… vui”.

Cô bé ngày ấy là tôi, nay đã là mẹ, đã đi nhiều nước châu Âu, Bắc Mỹ, đến cả Maroc, châu Phi, nhưng 13 năm kể từ khi hết tú tài, tôi chưa lần nào về VN đủ thời gian để đi hết quê hương Ninh Bình, thăm hết các thầy cô trường Lương Văn Tụy, gặp hết các bạn. Thời gian luôn thiếu cho cuộc sống hiện tại. Chỉ với việc tạm tách khỏi guồng quay hối hả bằng hoài niệm về thời học trò mới cho tôi tìm lại cảm xúc hồn nhiên, thuần khiết nhất. Tôi tưởng tượng trở thành cô bé Hương ngày ấy trong những ngày 20/11. Nhưng, Paris không có trường Lương Văn Tụy.

Cổ tích của em


Hãy yêu như chưa yêu lần nào

Em, một cô bé chuyên toán nhưng lúc nào cũng mơ mộng và tin vào cổ tích, dù mấy đứa bạn nhạo « hâm rồi đấy ». Có lẽ tại ngày còn bé em đọc nhiều truyện quá. Thế giới cổ tích của em tràn ngập hoàng tử, công chúa, và luôn mới mỗi tháng bố lĩnh lương về. Em đọc nhiều. Dù đã quên bớt dần theo năm tháng, vẫn còn mãi cảm giác trong trẻo, hồn nhiên bay bổng của ngày xưa.18 tuổi, em khăn gói lên đường vào đại học. « Mình hạc xương mai » với hành trang là mấy bộ đồ lạc mốt, quê quê. Nội tâm của em được phủ kín bằng một bề ngoài lạnh lùng mà cô em họ ví von « như một khối kem khổng lồ cần một chàng trai dũng cảm lấy thìa múc…ăn dần ». Và anh, một « hoàng tử » không đến từ lâu đài nguy nga tráng lệ mà từ miền quê ngoại thành nghèo khó. Anh học rất giỏi, và có nhiều tài. Anh đánh đàn, anh dẫn các chương trình dạ hội làm nức lòng bao cô giá như em. Và anh cũng từng lạnh lùng…

Mình gặp và cảm nhau ngay từ ngày đầu. Em hiểu mình và biết tại sao. Tại ánh mắt anh hút hồn, bám chặt lấy em, làm em thổn thức. Còn anh, em không hiểu. Có bao cô gái xinh đẹp hơn em gấp nhiều lần. Tại em cá tính như anh thiên vị nói, hay tại 2 bím tóc cưa sừng làm nghé của em ?Mình yêu nhau đúng như người ta nói « Từ thủa hàn vì ». Mối tình đầu của em, mối tình năm anh, em 19 tuổi, phá cách, phá quy ước « học trước, yêu sau » tự đặt ra từ thời nảo nao. Anh không phải là người sinh ra đã lãng mạn, nhưng anh biết làm những cử chỉ ấy. Chẳng thứ 7 và ngày lễ nào em thiếu hoa hồng. Anh cẩn thận đạp xe xa khu kí túc, chỉ để chọn cho em những nhành hoa thơm và tươi nhất. Có hôm mang đến cho em nguyên một vườn hoa bươm bướm, cánh mỏng tang, loài hoa em thích và luôn mơ ước sẽ tung tăng chạy nhảy giữa rừng hoa như thế. Trước ngày bảo vệ luận văn, nhận học bổng đi nước ngoài, anh không đến được, mà « cắt cử » một em bạn cùng phòng mang tới bó hoa to đùng động viên em. Đó là một tối thứ tư đáng nhớ.

Và thứ tư. Anh ngỏ lời yêu em cũng vào một thứ tư. Em nhận lời sau đó một tuần, lại một thứ 4 duyên nợ. 1 tuần để nghĩ, bởi cái chỏng chảng của cô bé 19 tuổi nhắc rằng « kiêu một chút, từ từ hãy gật đầu ». Và từ ngày ấy, mình viết cho nhau mỗi ngày, dù chung bàn, chung lớp. Gặp nhau ở giảng đường và cả các lớp nâng cao buổi tổi. Những lá thư mình viết sắp đầy 1 vali rồi anh nhỉ. Anh lang thang tìm thơ mua tặng em. Lãng mạn quá đến mức có người thốt lên « bỏ nhau sớm thôi ». Có mấy ai lãng mạn mà gắn kết với nhau được lâu dài anh nhỉ.

Nhưng anh và em vẫn đang tiếp tục cố gắng dệt nên câu chuyện tình yêu. Sợi tơ hồng thắt chặt bởi một thanh niên nhí 2 tuổi rồi. 12 năm bên nhau, mình vẫn không bỏ thói quen đi dạo, viết cho nhau, cười đùa mỗi ngày. Và em vẫn tin vào cổ tích khi đang ngồi viết những dòng này. Ngầu nhiên mà trùng hợp « thứ 4, ngày 08…-ngày anh nói yêu em ».

2 Comments