NACDTVT – Phần 25 : Phương pháp giáo dục

Paris, 21-07-2014

PHẦN 25 : Những Anh chàng độc thân vui tính và Phương pháp giáo dục

Phương pháp giáo dục của trường học

Nhớ một hôm vào giờ nhập học buổi sáng, ngay trước sân trường sau cổng đi vào mẫu giáo có một thùng rác to màu xanh đầy các loại, cô hiệu trưởng đang đứng đó, bới các thứ trong thùng và mời các thanh niên nhí động tay vào, cùng phân loại, ngửi để phân biệt và cảm nhận.

Trên những ban-công nhỏ của trường, có những chậu bé tẹo, nơi những hạt nhỏ đang nảy mầm, thành quả gieo trồng của các thanh niên nhí.

Một ngày trên đường đi học về, có 2 anh lớn đang bỏ chạy khi nhìn thấy cảnh sát, anh chàng độc thân vui tính thứ nhất quay sang Papa hỏi “Các anh ấy bao nhiêu tuổi hả Pa?” – “Chắc 13, 14 con ạ” – “Thế thì các anh ấy có thể bị bắt vào tù đấy Pa ạ” – “Sao con biết?” – “Tại hôm trước có một chú cảnh sát đến trường của Tom để nói chuyện với tất cả các bạn. Chú ấy nói nếu phạm tội, từ 13 tuổi là có thể bị bắt vào tù Pa ạ. Có một chú khác đến nói đi đường không vượt đèn đỏ”. Oái, mới có lớp 1. Có hôm anh chàng về, mang theo 2 tấm danh thiếp của thị trưởng quận, giải thích trưa nay ăn cơm cùng thị trưởng, và sau đó có thể liên lạc. Hóa ra cán bộ cấp cao đi gặp gỡ, giao lưu trò chuyện các vấn đề thực tiễn, và kiểm tra chất lượng căng-tin.

Một năm học kéo dài 10 tháng, từ tháng 9 đến cuối tháng 6. Giữa chừng có nhiều kỉ nghỉ 2 tuần : nghỉ xuân, nghỉ đông, năm mới, lễ phục sinh…Mỗi ngày thường học 4h, thời gian còn lại là ngoại khóa, thể thao, tự ôn bài, hay đọc sách, vẽ tranh. Giã ngoại được tổ chức đều đặn : đi tàu sông Xen, công viên, xem xiếc, xem phim, thăm bảo tàng, thăm trang trại. Kết thúc năm học là một lễ hội khai giảng tổ chức vào một sáng thứ 7 hay một buổi tối. Tất cả phụ huynh được mời đến. Mọi người có thể đóng góp đồ ăn (không bắt buộc) tùy thích (các mẹ thường trổ tài làm bánh). 13 hay 14 trò chơi được điều khiển bởi những phụ huynh tình nguyện trong ban điều hành.

Không có điểm phẩy trung bình, kết quả học tập của các “sinh viên” nhí được nhận xét bởi giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng theo từng hạng mục theo kiểu không đạt, đạt, cần cố gắng hơn, rất tốt …Hết lớp 1, Anh chàng độc thân vui tính thứ nhất có kết quả khả quan làm giật mình bố mẹ, được nhận xét năng động, hăng hái, luôn là hoạt náo viên cho các nhóm (trời hèn gì quần bò nào cũng thủng đầu gối). Anh chàng độc thân vui tính thứ 2 hoàn thành chỉ tiêu lớp mẫu giáo 3 tuổi (mẹ rất bất ngờ khi 1 ngày anh chàng bỗng tự đánh vần tên mình).

 

Phương pháp giáo dục của bố mẹ

Tự lập là chỉ tiêu đầu tiên. Đi học về phải giửa tay, thay quần áo. Ăn cơm xong phải mang bát ra bếp, tráng qua. Giúp mẹ sắp cơm bằng cách lấy bát đũa, cho bàn ra, và bê đồ ăn vào. Giúp mẹ làm bếp. Đập trứng, xay thịt các anh chàng làm nhuần nhuyễn. Tắm thì tự điều chỉnh nước vào bồn, tự xát xà phòng, bố mẹ chỉ giúp gội đầu.

Có trách nhiệm là chỉ tiêu thứ 2. Khi thiếu đồ, mẹ giao cho cầm tiền. Trên đường đi học về, qua siêu thị cùng cô Trang (cô đón 2 anh em 3 buổi/ tuần giúp bố mẹ), chọn đồ, tính toán trả tiền. Cực kì tự hào vì được mẹ tin tưởng coi như người lớn.

Lịch sự là chỉ tiêu thứ 3. Mẹ kiên trì trong việc thêm chữ ạ vào mỗi câu trả lời tiếng Việt. Giữ cửa cho người đi sau. Kéo xe đi chợ cho mẹ. Cầm đồ, dù nhiều khi chỉ là tượng trưng (Maman vẫn mơ ước có những anh chàng thật phong độ, hiểu giá trị của gia đình, của người phụ nữ, kết hợp văn hóa Việt nam và những gì tiên tiến của nước ngoài).

Không đòi hỏi vật chất là chỉ tiêu thứ 4. Hiếm khi đòi được bố mẹ đồ chơi, nhưng luôn được dẫn đi chọn quà cho người khác khi mẹ cần mua.

Chia sẻ, quan tâm, hòa đồng với người khác là chỉ tiêu thứ 5. Bữa cơm gia đình hiếm khi được xem vô tuyến, mà là thời gian để trò chuyện cùng bố mẹ. Có thể vui vẻ đi chơi ít khi bám bố mẹ. Thường xuyện được dẫn đến các nơi, và thả giữa những người lạ.